|
Em Lê Minh Trung – hăng say phát biểu ý kiến xây dựng bài
|
Vượt qua quãng đường gần 5km, theo lời chỉ dẫn của cô giáo chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Huệ, chúng tôi tìm đến Tổ 4 - Ấp Phú Thành – Xã Thanh Phú, thị xã Bình Long hỏi thăm nhà em Lê Minh Trung bà con lối xóm ai ai cũng biết, bởi nhà em thuộc hộ nghèo nhất nhì trong ấp và đặc biệt là em học rất giỏi. Chúng tôi không khỏi bàng hoàng xúc động khi nhìn thấy gia cảnh của em Trung, gia đình em rất khó khăn, cả một miếng đất “cắm dùi” cũng không có, gia đình phải cất ngôi nhà tạm trên phần đất mượn của người bà con; nói là nhà chứ, thực tế chỉ là túp lều che tôn, che bạt rộng khảng 20m2, để gia đình có chỗ ra vào, trời nắng thì đỡ còn trời mưa thì cả nhà phải mặc áo mưa để ngủ; đây là chỗ ăn ở sinh hoạt của 4 con người. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, ngoài cái ti vi cũ của người hàng xóm cho mượn, chỉ toàn là giấy khen của Trung. Bố làm thợ hồ, một công việc rất nặng nhọc nhưng lại bấp bênh, mẹ phụ giúp bán hàng cho người ta, những đồng tiền công ít ỏi đó chỉ tạm đủ cho cuộc sống sinh hoạt cho gia đình 4 người, với hai đứa con ăn học. Hiểu được gia cảnh của mình, nỗi vất cả của cha mẹ, Trung đã nguyện với lòng mình rằng phải cố gắng học thật giỏi để có thể đậu vào một trường Đại học nào đó với học phí ít nhất để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ thầy, cô, sau này có một cái nghề có thể nuôi sống bản thân, phụng dưỡng cha mẹ.
Minh chứng cho điều đó, hầu như năm nào em cũng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Đặc biệt năm lớp 11 em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngoài giờ học ở trường Trung không có điều kiện học thêm như các bạn cùng trang lứa, em phải tự học ở nhà, ngoài ra em còn phụ giúp cha mẹ những việc nhà như vặt rau, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ cho cả gia đình.
Hằng ngày bằng chiếc xe đạp “cà tàng”, vượt qua quãng đường gần 5km để đến trường, ở nhà là một đứa con ngoan, đến trường em là một trò giỏi. Cô Phạm Thúy Liễu – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết “mặc dù em Trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng em luôn cố gắng vươn lên học tốt, trong lớp Trung luôn chú ý lắng nghe các thầy cô giảng bài và hăng say tham gia phát biểu ý kiến, tích cực tham gia các phong trào Đoàn – Hội của lớp, của trường, em luôn được thầy cô và bạn bè tin yêu”.
Có hoàn cảnh khó khăn hơn em Lê Minh Trung, là em Bùi Minh Thư – học sinh lớp 7B trường THCS Thanh Phú, bản thân em bị bệnh thận nặng, em không có cha, mẹ bị tâm thần lúc tỉnh, lúc mơ bỏ em cùng bà ngoại đã ngoài 60, không còn khả năng lao động, hai bà cháu chỉ trong chờ vào một sào điều năm được, năm mất, nhưng thương cháu bà vẫn không than vãn nửa lời, hàng ngày bà vẫn nhận hạt điều về bóc tách để có tiền trang trải cuộc sống của hai bà cháu và nuôi em ăn học.
|
Em Bùi Minh Thư (áo trắng bên phải) được mời giao lưu gương tiêu biểu vượt khó vươn lên trong chương trình thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Bình Long năm 2014
|
7 năm học là quãng thời gian rất cơ cực đối với thân hình bé nhỏ như em, ngoài những giờ học trên lớp, về nhà em lại cặm cụi bên bàn học, 7 năm học em đều là học sinh khá giỏi, nhưng bệnh tật ngày càng nặng khiến cho việc học của em khó khăn hơn. Thư cho biết, do không có điều kiện học thêm như các bạn, bản thân lại bị bệnh thường phải nghỉ học để điều trị, nên muốn theo kịp các bạn em phải cố gắng tự học ở nhà, và tập trung chú ý lắng nghe thầy cô giảng trên lớp; khó khăn là thế, vất vả là thế, nhưng em cho biết chưa khi nào em có ý nghĩ là sẽ bỏ học, trừ khi hoàn cảnh không cho phép và bệnh tật không thể đến trường; bây giờ bà ngoại cũng bị bệnh không còn khả năng lao động, bệnh thận của em lại nặng hơn, gánh nặng lại tăng thêm trên đôi vai già yếu của bà, em mong muốn có một sự giúp đỡ nào đó của các mạnh thường quân để giúp bà ngoại và em để có điều kiện tiếp tục đến trường.
Có hoàn cảnh éo le không kém là Trần Thảo Vy, học sinh lớp 4-5 trường Tiểu học An Lộc A, cái ngày em bị tai nạn 8 tháng thì bố em bị nạn, bỏ lại 3 mẹ con em bơ vơ cui cút trong ngôi nhà gỗ lụp xụp, hơn khoảng 30m2 do ông bà nội để lại, theo thời gian mái tôn đã bạc màu lấm tấm, những miếng ván trên tường đã mục nát, căn nhà như đang chực đổ bất kì lúc nào; Nhà không có đất sản xuất, 3 mẹ con em chỉ bấu víu vào hai sào đất trồng tiêu, không thể để các con phải nghỉ học, mẹ em hàng ngày đi làm bất kể việc gì mà bà con lối xóm thuê mướn để kiếm đồng tiền công ít ỏi nuôi anh, em Vy ăn học.
|
Em Trần Thảo Vy (đứng) dù bị tai nạn để lại di chứng nhưng em rất cố gắng vươn lên học tốt |
Do không có tiền chữa trị triệt để nên tại nạn để lại di chứng tay, chân bị dị tật, não bị ảnh hưởng, việc sinh hoạt, học tập và đi lại rất khó khăn, cần phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ và anh trai. Mặc dù việc tiếp thu bài có phần hạn chế so với các bạn cùng trang lứa, nhưng em vẫn không nản chí, mặc cảm. Em cho biết chưa khi nào em có ý nghĩ là sẽ bỏ học trừ khi không còn đủ sức lực và điều kiện đến lớp, với em việc học là việc em có thể làm lúc này có thể giúp mẹ, giúp em vượt lên số phận. Em có mơ ước trở thành một bác sỹ để giúp đỡ mẹ và các bạn có hoàn cảnh giống như em.
Hiểu được gia cảnh của mình, nên em rất chăm chỉ, ngoài giờ học trên lớp về nhà em lại cặm cụi bền bàn học. cô Phạm Thị Hồng Anh – giáo viên chủ nhiệm lớp 4 - 5 cho biết, em em Vy rất siêng năng, dù bất kể là mưa dông hay giá rét em vẫn bắt mẹ chở đến trường, trừ khi bệnh đau không thể cử động được em mới chịu nghỉ học.
Đây chỉ là những số ít những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt, hiện nay trên địa bàn thị xã Bình Long còn rất nhiều những hoàn cảnh đáng thương. Tinh thần vượt khó học giỏi các em thực sự là những tấm gương để các bạn cùng trang lứa học tập và noi theo, để các em có thêm động lực và điều kiện tiếp tục đến trường, xây dựng ước mơ, hoài bão cần lắm sự sẻ chia của cả cộng đồng xã hội để những mầm xanh đầy nghị lực này sẽ có đủ điều kiện hỗ trợ để phát triển ngày một xanh tốt trước những khắc nghiệt của cuộc đời.
Văn Tâm